Chư Prông: Liên kết chăn nuôi dê mang lại hiệu quả

2323 lượt xem

Được thành lập tháng 10-2020, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) giúp thành viên chia sẻ kinh nghiệm và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ôm bó cỏ voi thật to, anh Phạm Văn Biên (làng Sơr) cho vào trong chiếc máy cắt, chỉ vài phút sau, cỏ đã được xắt nhỏ. Anh xúc từng chậu đổ vào 3 chiếc máng nhôm dài ở phía trước chuồng để đàn dê dễ dàng tới ăn. Theo anh Biên, xắt nhỏ cỏ vừa tiết kiệm nguồn thức ăn, vừa giữ chuồng trại luôn sạch sẽ để phòng bệnh cho đàn dê, đồng thời khi ăn dê cũng không bị rát miệng.

chan-nuoi-de
Anh Phạm Văn Biên (làng Sơr) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Ban đầu, anh Biên chỉ nuôi thử nghiệm vài con dê. Về sau thấy con vật dễ nuôi, sinh sản nhanh, giá bán lại cao nên anh quyết định chặt bỏ 100 cây cà phê kém năng suất để tạo mặt bằng và đầu tư 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố.

Từ kinh nghiệm của các hội viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng, anh làm chuồng cao ráo, mỗi chuồng rộng chừng 20 m2. Khi chúng tôi đến, anh Biên vừa xuất bán 20 con dê thịt. Vì vậy, trong chuồng còn khoảng 30 con, trong đó có 13 con dê giống.

Nói về hiệu quả của việc chăn nuôi dê, anh Biên làm phép so sánh nhanh: “5 sào cà phê nếu chăm sóc tốt, mỗi năm cũng chỉ thu về chừng 50 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 2 tháng nữa, khi 13 con dê giống tròn 5 tháng tuổi, tôi bán cũng được vài chục triệu đồng”.

Không chỉ bán dê giống, mỗi năm, gia đình anh còn xuất bán 3 đợt dê thịt, mỗi đợt khoảng 3 tạ (giá bán 130 ngàn đồng/kg). Chưa kể cứ 3 tháng anh lại bán khoảng 6 m3 phân dê với giá 700 ngàn đồng/m3. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi dê mang lại, anh Biên dự định tăng đàn lên khoảng 100 con. Trước mắt, anh sẽ chặt bỏ thêm 100 cây cà phê già cỗi để lấy đất trồng cỏ.

Chia sẻ về việc tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, anh Biên cho hay: “Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho đàn dê, nhất là thời điểm giao mùa. Tôi cũng hy vọng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô”..

chan-nuoi-de
Đàn dê của gia đình bà Nguyễn Thị Phòng (thôn Ninh Hòa). Ảnh: Anh Huy

Trước khi lựa chọn mô hình nuôi dê, bà Nguyễn Thị Phòng (thôn Ninh Hòa) vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nuôi 4 con bò. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc thấy nuôi bò chậm mang lại hiệu quả kinh tế, bà bán bò để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 3 con dê về nuôi thử nghiệm. Sau 3 năm, bà đã gây dựng được đàn dê hơn 20 con.

“Từ lúc nuôi đến giờ, tôi đã bán được một số con dê đực, còn dê cái thì giữ lại”-bà Phòng cho hay. Sau khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, bà Phòng được tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. “Tôi mua 1 con dê đực làm giống, số tiền còn lại dự định làm thêm 1 chuồng nuôi để tách đàn. Lúc khó khăn được Hội Nông dân xã quan tâm, tạo điều kiện vay vốn phát triển chăn nuôi”-bà Phòng nói.

Ông Rơ Châm Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng-trao đổi: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê có 18 thành viên ở 5 thôn, làng. Mỗi tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ và liên kết tìm đầu ra sản phẩm.

Tháng 1-2021, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân 200 triệu đồng cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay trong thời gian 24 tháng. “Đến nay, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay mua dê giống, mở rộng chuồng trại. Đây là hướng đi mới giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”-ông Dung nhấn mạnh.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!