Kỹ thuật làm đẹp cơ bản cho thú cưng tại nhà

2443 lượt xem

Kỹ thuật làm đẹp cơ bản cho thú cưng tại nhà luôn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian và điều kiện đưa chúng đến các spa chuyên nghiệp để hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất.

Vậy tại sao chúng ta không tự mình chăm sóc cho thú cưng của mình bằng các kỹ thuật rất đơn giản nhưng hiệu quả không kém các spa chuyên nghiệp? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một số thao tác kỹ thuật cơ bản nhất để bạn có thể tự mình chăm sóc cho thú cưng của mình ngay tại nhà như:

– Kỹ thuật chải lông.
– Kỹ thuật chăm sóc răng miệng.
– Kỹ thuật cắt móng.
– Kỹ thuật vệ sinh tai.

Những công việc tưởng chừng như không quan trọng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến con vật của bạn.

Kỹ thuật làm đẹp cơ bản cho thú cưng tại nhà

Kỹ thuật chải lông:

Tại sao chúng ta cần chải lông cho thú cưng? Việc chải lông không chỉ giúp thú cưng của bạn sạch sẽ hơn và cảm thấy thoải mái như được massage mà còn có rất nhiều các công dụng khác như:

– Loại bỏ các sợi lông chết và kích thích sự phát triển của các lông tơ.

– Chống rối lông (đối với những giống có sợi lông dài), ngăn chặn các lông dính bết với nhau thành thảm.

– Kích thích tiết bã nhờn giúp giữ ẩm cho da và làm sáng bóng lông, đồng thời giúp phân tán đều bã nhờn trên bề mặt da và lông.

– Loại bỏ các chất sừng dư thừa trên da, có thể là nguyên nhân gây ngứa.

– Giúp phát hiện sớm các ký sinh trùng ký sinh trên bề mặt da cũng như các bệnh ngoài da khác từ đó có phương án ngăn chặn kịp thời.

Để bắt đầu việc chải chuốt có hiệu quả việc đầu tiên bạn nên làm là chọn lựa dụng cụ chải phù hợp với đặc điểm bộ lông của thú cưng. Cụ thể nếu chọn loại bàn chải quá cứng sẽ làm cho con vật bị đau, tổn thương da hay quá mềm sẽ không đủ kích thích lên da cũng như không đủ cứng để duỗi được bộ lông theo ý muốn.

Trên đây là hình ảnh về 1 số dụng cụ chải, cát tỉa lông mà các bạn có thể tham khảo để có sự lựa chọn phù hợp nhất cho thú cưng nhà bạn.

Khi đã chọn được dụng cụ phù hợp, bạn nên tập cho con vật thói quen được chải lông đều đặn 2-3 lần/tuần. Lưu ý rằng ban đầu con vật chưa quen nên có thể sẽ không nằm im 1 chỗ để cho chúng ta chải lông cho nó nên bạn cần kiên nhẫn và không được ép buộc quá nếu vật chưa sẵn sàng.

lam-dep-thu-cung-2

Đầu tiên ta dùng kéo cắt phần lông ở dưới bàn chân cho gọn gàng, tiếp đó chải xuôi theo chiều của lông bắt đầu từ phần đầu → cổ → xuống phần thân → bụng dưới → đuôi. Nếu cần, bạn có thể dùng 1 chiếc lược của người chải sơ trước cho lông thẳng ra rồi mới dùng dụng cụ chải chuyên dụng chải nhẹ nhàng và loại bỏ bớt lớp lông chết.

Nếu muốn bạn cũng có thể cắt tỉa thêm những chỗ lông quá dài hay vướng víu như xung quanh mắt, xung quanh hậu môn, phần bẹn (nách) ở mỗi chân…

Ngoài ra, nếu khéo tay, bạn cũng có thể cắt tỉa những phần lông dài như trên đầu và phần lông đuôi thành những hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu cho thú cưng nhà bạn.

Kết thúc quá trình, bạn nên có một phần thưởng nho nhỏ cho thú cưng nhằm tạo thói quen cho chúng trong những lần chải lông tiếp theo.

Kỹ thuật chăm sóc răng miệng:

Theo thống kê của các bác sỹ thú y, có tới 80% thú cưng trên thế giới mắc bệnh về răng miệng. Đó là một trong số những nguyên nhân gây ra các bệnh trên đường ruột, bệnh trên gan hay suy thận…

Bởi vậy, việc vệ sinh răng miệng nên bắt đầu từ lúc thú cưng của bạn còn nhỏ và duy trì thường xuyên 2-3 lần/tuần nếu con vật chưa có vấn đề về răng miệng như lợi (nướu) hay men răng đã hỏng. Trong trường hợp vật đã mắc bệnh về răng miệng, ta nên vệ sinh thường xuyên hàng ngày (1 lần/ngày).

Việc chọn lựa kem đánh răng cũng như bàn chải phù hợp với thú cưng nhà bạn quyết định khá lớn tới hiệu quả của việc vệ sinh răng miệng. Nên chọn loại kem chuyên dụng cho thú cưng có bán tại các cửa hàng thú y, đặt biệt lưu ý không bao giờ được dùng kem của người cho con vật vì bọt sinh ra sẽ làm cho vật khó chịu đồng thời vật không thể nhổ sạch kem sau khi dùng. Có hai dạng bàn chải dành cho thú cưng chính hiện nay mà bạn có thể lựa chọn là loại có cán và loại “bàn chải ngón tay” (như trong hình)

Tuy nhiên, dù bạn chọn loại bàn chải nào đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo độ mềm mại vừa phải để con vật không bị đau. Ngoài ra, các bạn cũng nên lưu ý đến an toàn cho bản thân (không nên để con vật cắn phải tay trong khi chải).

Với bàn chải ngón tay, sau khi cho kem đánh răng lên bàn chải, bạn nhẹ nhàng banh 2 môi ra để bộc lộ phần răng cần chải, luồn ngón tay vào và bắt đầu chải theo hình vòng tròn cho đến khi tất cả các ngóc ngách của hàm răng được chải sạch.

Với bàn chải có cán, bạn cũng làm tương tự. Lưu ý, ta nên đưa bàn chải chuyển động theo hình tròn để tránh làm xước phần lợi và gây chảy máu. Các thao tác nên nhẹ nhàng và nếu con vật đã bị bệnh răng miệng thì trong lúc chải bạn nên chuẩn bị thêm bông để thấm máu nếu có.

lam-dep-thu-cung-3

Kỹ thuật cắt móng:

Móng chân dài có thể là nguyên nhân làm cho con vật đi lại khó khăn thậm chí đau đớn do bàn chân không thể chạm đất hoặc do móng bị xoắn lại, đầu móng đâm vào phần mu bàn chân gây chảy máu, thậm chí tổn thương xương.

Bởi vậy, bạn nên cắt móng thường xuyên cho thú cưng tránh trường hợp xảy ra những tổn thương không đáng có cho con vật. Tùy thuộc vào tốc độ phát triển nhanh hay chậm của móng của mỗi con mà ta sắp xếp thời gian cắt cho phù hợp mỗi tuần 1 lần hay mỗi tháng 1 lần.

Để bắt đầu cắt, bạn nên chọn dụng cụ cắt chuyên dụng có chất lượng tốt và không nên dùng loại cho người vì móng của thú cưng đa phần rất cứng và khó cắt hơn móng tay (chân) của người.

Sau khi chuẩn bị xong xuôi, bạn nâng chân của thú cưng lên và tách nhẹ móng sẽ cắt riêng ra. Chỉ cắt bỏ đi 1 phần nhỏ sao cho vết cắt không chạm tới phần tủy xương và các mạch máu gây chảy máu đồng thời phải đảm bảo phần móng còn lại không dài quá mu bàn chân. Trong khi cắt, bạn cũng nên chuẩn bị bông và bột cầm máu phòng trường hợp móng cắt bị chảy máu.

Kỹ thuật vệ sinh tai cho chó:

Một đôi tai bẩn có thể là nơi trú ngụ của rất nhiều các mầm bệnh từ vi khuẩn cho đến các ký sinh trùng, bọ chét, rận…và là nguyên nhân gây cho con vật cảm giác khó chịu

Việc vệ sinh tai không cần thiết phải làm thường xuyên vì tai luôn cần một lượng vừa đủ ráy tai để duy trì tình trạng bình thường của nó. Tuy nhiên, bên trong vành tai thì luôn luôn cần vệ sinh sạch sẽ bất cứ khi nào có sự xuất hiện của bụi bẩn, hay lớp da chết.

Nhẹ nhàng lau sạch vành tai bằng 1 mảnh vải sạch (hoặc bông sạch) đã được thấm 1 chút dầu khoáng (hay dung dịch chuyên dùng vệ sinh da có bán tại các cửa hàng thú y). Kỹ thuật vệ sinh tai vô cùng đơn giản, tuy nhiên chúng ta cần phải lưu ý khi chọn dung dịch vệ sinh cũng như dụng cụ lau như bông, vải mềm. Không nên dùng cồn, ether hay các chất gây kích ứng khác để lau tai cho thú cưng.

Việc lau sạch vành tai thường xuyên cũng giúp cho chúng ta có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh tích khi tai bị viêm, từ đó có các biện pháp ngăn chặn và điều trị kịp thời.

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!